“Căng thẳng nhất là xét giải dịch vụ di động”

Thứ trưởng Bộ TT&TT; Trần Đức Lai cho biết, Hội đồng sơ khảo và chung khảo của Giải thưởng CNTT Việt Nam đã phải tính đến thang điểm 0,1 để chấm giải.

Trước thềm Lễ trao Giải thưởng CNTT -TT Việt Nam 2008, Báo Bưu điện Việt Nam đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ TT &TT Trần Đức Lai, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Chung khảo, Trưởng Ban chỉ đạo Tổ chức Giải thưởng xung quanh quá trình xét giải, đặc biệt với hai lĩnh vực “nóng” và khó khăn nhất là di động và ứng dụng CNTT.

Trong lĩnh vực CNTT -TT đã có khá nhiều giải thưởng, xin Thứ trưởng cho biết lý do Bộ TT &TT tổ chức giải thưởng này?

Đúng là trong lĩnh vực CNTT -TT, các tổ chức, doanh nghiệp cũng như các cơ quan báo chí đã tổ chức khá nhiều giải thưởng. Chúng tôi đánh giá các giải thưởng đó tổ chức rất tốt, có tác động khích lệ sự phát triển của ngành. Tuy nhiên, từ trước tới nay, chưa có giải nào chính thức do cơ quan quản lý nhà nước đứng ra tổ chức. Chính vì vậy, lãnh đạo Bộ TT &TT quyết định tổ chức giải này.

Đây là giải có tính chất quốc gia và là đánh giá chính thức của cơ quan quản lý nhà nước phụ trách về lĩnh vực. Mục đích là để tôn vinh các doanh nghiệp, các tổ chức đã tham gia hoạt động trong lĩnh vực CNTT -TT có đóng góp tích cực.

Việc tổ chức giải thưởng cũng là công việc Bộ làm theo đúng chức năng quản lý nhà nước được giao. Ngoài vấn đề triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, các quy hoạch chiến lược, thực thi trong công tác quản lý nhà nước thì có một hoạt động lớn của Bộ là thưởng phạt, thanh tra, kiểm tra.

Thêm nữa, CNTT là lĩnh vực đang phát triển rất năng động, vì vậy nó kéo theo một loạt loại hình dịch vụ mới. Qua hoạt động tổ chức hàng năm, giải thưởng có tác dụng động viên, khuyến khích đồng thời định hướng cho các tổ chức, doanh nghiệp theo đúng với định hướng của Chính phủ và của Bộ.

Xin Thứ trưởng cho biết những điểm nổi bật và khác biệt của giải thưởng này so với các giải khác trong lĩnh vực CNTT -TT?

Giải thưởng này sẽ được tổ chức hàng năm và để tôn vinh tất cả các hoạt động trong lĩnh vực CNTT -TT. Tuy nhiên, CNTT-TT là lĩnh vực rất rộng. Cho nên năm 2008, Bộ quyết định chọn một số hoạt động đang được xã hội quan tâm nhất hoặc là lĩnh vực mà cơ quan nhà nước đang muốn thúc đẩy. Chính vì vậy, Bộ đã chọn các lĩnh vực: cung cấp dịch vụ di động và Internet, công nghiệp CNTT (gồm máy tính thương hiệu Việt Nam, phần mềm, nội dung số và dịch vụ đào tạo CNTT). Mảng thứ ba cũng rất trọng tâm là tôn vinh và biểu dương các cơ quan, các đơn vị doanh nghiệp làm tốt việc ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành và sản xuất kinh doanh.

Giải này có một số điểm khác biệt so với các giải thưởng khác trong cùng lĩnh vực. Thứ nhất, trong lần trao giải này, giải chỉ tôn vinh các cơ quan và doanh nghiệp đã có đóng góp tích cực trong lĩnh vực CNTT, không xét đến từng sản phẩm, dịch vụ. Thứ hai, giải chỉ tôn vinh để nâng thương hiệu của doanh nghiệp và tổ chức chứ đơn vị đạt giải không được thưởng về vật chất. Thứ ba, quá trình xét giải thưởng không yêu cầu các đơn vị tham gia nộp kinh phí.

Quá trình xét giải cũng có một số khác biệt so với các giải khác. Thứ nhất, tiêu chí xét giải được Bộ đặt lên ngay từ đầu và xuyên suốt quá trình xét giải là dân chủ, công khai, minh bạch. Ngay từ đầu, Bộ đã thông báo quy chế, thể lệ thi rõ ràng. Hai là, căn cứ vào hồ sơ của doanh nghiệp và đơn vị gửi lên, Bộ đã thành lập ba hội đồng sơ khảo, vừa xem xét hồ sơ, vừa tổ chức đi khảo sát thực tế kiểm chứng những gì họ đăng ký. Đồng thời lấy ý kiến của đơn vị khảo sát thị trường, thăm dò ý kiến của người sử dụng. Thêm vào đó, Bộ cũng thông qua hệ thống truyền thông, báo đài để lấy ý kiến đánh giá. Như vậy, có thể thấy giải này sử dụng rất nhiều nguồn thông tin để cân nhắc và cùng những tiêu chí chấm điểm rất cụ thể, chấm đến cả thang điểm 0,1 điểm.

Hy vọng rằng khi giải thưởng được công bố sẽ có sức thuyết phục. Tuy nhiên, cũng không loại trừ trường hợp có những ý kiến thắc mắc. Sau đợt trao giải này, Bộ sẽ họp đánh giá tổng kết, thông qua hệ thống báo chí và phản ứng của xã hội để xây dựng thể lệ giải thưởng của năm 2009 phù hợp hơn với thực tế.

Trong các lĩnh vực của giải thưởng, dịch vụ di động là lĩnh vực cạnh tranh khốc liệt nhất. Bộ có bị sức ép gì không trong việc đánh giá và xét giải, thưa Thứ trưởng?

Đúng là lĩnh vực cung cấp dịch vụ di động đang có sự cạnh tranh rất quyết liệt. Điều này rõ ràng là rất tốt cho xã hội và cho người dùng nhưng cũng tạo ra thách thức rất lớn với việc xét giải, kể cả với Hội đồng sơ khảo và Hội đồng chung khảo. Bởi các đơn vị tham gia cũng tương đương một chín một mười.

Ngoài các tiêu chí rõ ràng trên nguyên tắc công khai, dân chủ và minh bạch, thì riêng với lĩnh vực này, hội đồng sơ khảo đã làm rất công phu. Ngoài căn cứ vào hồ sơ, hội đồng đã tổ chức các đoàn đi kiểm tra thực tế, lấy căn cứ vào phần quản lý nhà nước của các đơn vị chuyên ngành đã thực thi trong năm 2008 (ví dụ như kết quả đo kiểm chất lượng) và đánh giá việc thực hiện các quy định pháp luật của doanh nghiệp. Sau đó, hội đồng đặt ra các thang điểm chi tiết. Tổng hợp các thang điểm lại, hội đồng làm rất dân chủ, minh bạch, thấy là số điểm phản ánh rất rõ thực tế.

Qua đợt đánh giá này, chúng tôi nhận thấy tốc độ phát triển dịch vụ rất tốt, nhanh nhưng doanh nghiệp cũng quan tâm hơn đến chăm sóc khách hàng và chất lượng dịch vụ.

Việc đánh giá hiệu quả ứng dụng CNTT của các đơn vị là việc khó, bởi đó là quá trình lâu dài. Xin Thứ trưởng cho biết Bộ đã làm cách nào để đảm bảo tính khách quan, chọn được đơn vị xứng đáng?

Đúng là việc đánh giá hiệu quả ứng dụng CNTT không dễ nhưng tôi nghĩ nó không phải vô hình mà có những sản phẩm tương đối cụ thể. Trên cơ sở thể lệ đã ban hành, chúng tôi thấy mức độ ứng dụng CNTT ở Việt Nam hiện ở giai đoạn bắt đầu để triển khai, nên chúng tôi cũng đặt ra một số tiêu chí có tính chất tương đối tổng thể, không đi sâu vào cụ thể nhưng cũng rất có định lượng.

Ví dụ, với doanh nghiệp thì hệ thống CNTT đã phục vụ cho việc quản lý thuế, tài chính hay quản lý doanh nghiệp thế nào. Với các cơ quan nhà nước, hệ thống CNTT của tỉnh đó đã đảm bảo được những yêu cầu Chính phủ và Bộ TT &TT đề ra chưa, có trang web không, mức độ các thành viên trong bộ máy đó đã sử dụng để trao đổi và điều hành trên mạng, hay số lượng dịch vụ công cung cấp cho xã hội. Tất cả những cái đó đều có định lượng cả, nên đánh giá tương đối rõ ràng.

Có điều rất mừng ở lĩnh vực này là số lượng đơn vị đăng ký tham gia rất đông.

Trong năm tới, Bộ có dự kiến sẽ có những thay đổi gì với giải thưởng này, thưa Thứ trưởng?

Rút kinh nghiệm năm 2008, chắc chắn Bộ sẽ tiếp tục phát động giải trong năm 2009, cố gắng sẽ trao giải vào tháng 3 hàng năm. Cụ thể các loại giải gì sẽ thể hiện trong năm 2009, chúng tôi sẽ có thông báo chính thức sau. Rút kinh nghiệm đợt này, Bộ sẽ họp lại để ra những quy định chung cho năm 2009. Nhưng tôi nghĩ bên cạnh việc kế thừa của năm 2008, có thể sẽ có một số cái mới. Ví dụ, có thể sẽ có thêm giải cho doanh nghiệp có giải pháp tốt để phục vụ cho ứng dụng CNTT hiệu quả hơn, để Việt Nam tiến nhanh đến chính phủ điện tử; giải thưởng trong lĩnh vực đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ việc ứng dụng CNTT – là mảng hoạt động Chính phủ và Bộ đang tập trung thúc đẩy; hoặc giải cho doanh nghiệp viễn thông phát triển tốt hạ tầng cố định, đó là hoạt động mà Bộ khuyến khích nhằm đảm bảo cung cấp dịch vụ ổn định và bền vững hơn.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Báo Bưu điện Việt Nam số 31 ra ngày 13/3/2009